Là một nông dân chân lấm tay bùn nhưng chẳng may ông Nguyễn Văn Hải (54 tuổi, thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) mắc phải căn bệnh gút. Khi thuốc men chẳng thể chữa dứt bệnh, ông Hải nhịn ăn tuyệt thực cả 1 tháng trời mà vẫn không khỏi bệnh.
Giữa
lúc tuyệt vọng, ông được giới thiệu đến với môn học năng lượng trường sinh học
và từ một con bệnh nằm một chỗ nay ông đã bớt bệnh một cách thần kì.
Ngồi thiền
tự chữa bệnh gút
Ông Hải sinh ra
giữa vùng đất thuần nông, quanh năm cày cuốc không ngờ lại mắc phải “căn bệnh
nhà giàu”. Ban đầu, khi thấy hai mắt cá chân và ngón chân cái bị sưng tấy, bỏng
rát, nhức nhối, ông cứ nghĩ mình bị bong gân. Ông mang đôi chân đau tìm đến các
thầy lang trong vùng để nắn, sửa mãi mà vẫn không bớt.
Càng ngày chân
càng sưng to và đau dữ dội khiến ông Hải cho rằng mình bị đau khớp. Ông không
đi khám mà mua các loại thuốc xương khớp về uống trong 5 năm liên tục nhưng chỉ
tiền mất tật mang. “Cứ 2 - 3 tháng, chân tôi lại bị đau một lần, mỗi lần như
vậy tôi phải uống thuốc vào mới chịu đựng được. Gia đình khó khăn mà tôi cứ
sống trong bệnh tật suốt 5 năm trời như thế. Sau đó, nghĩ rằng không thể cứ
uống thuốc mà không biết bệnh tật cụ thể của mình là gì, tôi buộc bụng, gom góp
tiền bạc đi khám bác sĩ”, ông Hải kể.
Khi đến Bệnh viện
Đa khoa tỉnh Bình Định khám, bác sĩ đã kết luận ông bị viêm đa khớp. Ông lại
tiếp tục dùng thuốc nhưng không khỏi nên sau đó đến Bệnh viện Quân y 13 khám
thì mới phát hiện mình bị bệnh gút. Ông nằm điều trị tại đây 1 tháng thì được
bác sỹ cho biết: Bệnh gút không thể chữa khỏi hẳn mà chỉ có thể uống thuốc cầm
cự. Ông tuyệt vọng tìm đến Trung tâm chỉnh hình TP.Quy Nhơn khám và điều trị
nội trú. Sau một tháng nằm viện, nồng độ axit uric trong máu đã giảm rõ rệt,
ông trở về nhà. Nhưng chỉ 3 tháng sau, khi tái khám, nồng độ axit uric trong
máu của ông lại tăng trở lại. Nghĩ rằng nhập viện điều trị thì tốn kém mà bệnh
chỉ thuyên giảm chứ chẳng bớt, ra viện lại đâu vào đó, ông ra về trong tuyệt
vọng.
Bao lần nhập-xuất
viện, uống đủ thứ thuốc nhưng đều không bớt bệnh, ông Hải như muốn phó mặc cho
số phận. Được một người bạn mách nước phương pháp chữa bệnh bằng cách nhịn ăn
của Nhật Bản, ông Hải liền làm theo với hy vọng được bớt bệnh. Trong 30 ngày
liên tiếp, ông không hề ăn mà chỉ uống nước đun sôi để nguội. “Làm theo cách
nhịn ăn này thì từ ngày thứ 2 - ngày thứ 10, chân tôi đau dữ dội. Phải đến ngày
thứ 11 trở đi, tôi mới không còn đau nữa. Đến ngày thứ 31, người tôi hốc hác,
khô khan chỉ còn da bọc xương nhưng bệnh tình có vẻ thuyên giảm”, ông Hải kể lại
quãng thời gian chữa bệnh bằng cách tuyệt thực.
Ông Hải vẫn ngồi thiền sau khi bớt bệnh.
Thấy phương pháp
ăn uống có tác dụng rõ rệt, từ đó ông Hải chỉ ăn cơm nấu từ gạo lứt và muối mè.
Được một tháng sau, ông tìm đến lớp học thiền của bà Hồ Thị Thu (thôn Hội Vân,
xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, Bình Định) qua sự giới thiệu của người thân và được
đồng ý cho theo học. “Tôi không đi lại được nên mỗi khi lên lớp mọi người phải
dìu đỡ, thậm chí có lúc phải ngồi xe lăn. Vì đau ở hai khớp bàn chân nên tôi
ngồi thiền ở tư thế duỗi thẳng hai chân, hai tay để lên trên. Ba ngày đầu, dù
có khó nhọc nhưng tôi luyện tập hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4
trở đi thì mỗi lần ngồi thiền, cơ thể bất động nhiều giờ, hai chân tôi nóng
ran, nhức nhối. Tôi chịu đựng riết rồi cũng quen, đến hết tháng thì những cơn
đau qua đi”, ông nói.
Ông Hải cho biết,
điều khó khăn nhất của người bệnh gút khi ngồi thiền đó là không được dùng
thuốc. Vì đa số bệnh nhân trước khi đến với môn thiền đều đã trải qua thời gian
dài dùng thuốc giảm đau nên bắt họ phải chịu đựng những cơn đau là rất khó. Chỉ
những ai có niềm tin tuyệt đối vào môn học và kiên trì tập luyện thì mới có khả
năng tự đẩy lùi được bệnh tật. Ông Hải chia sẻ: “Môn thiền này ai cũng có thể
học được nhưng không phải ai cũng có ý chí theo nó đến cùng. Thực tế, tôi thấy nhiều
người kiên trì tập luyện và có kết quả kì diệu nhưng cũng không ít người chỉ
tập được vài hôm đã bỏ về để tìm đến thuốc. Hầu như ai gắn bó được với thiền
đều như có một cái duyên”.
Trả nợ
cuộc đời
Ông Hải luyện tập
ở cơ sở của bà Thu được 3 tháng thì có thể tự đi lại. Như được hồi sinh với
những bước đi chập chững trở lại, ông Hải nguyện phụ giúp thầy cứu người. Ông
Hải vừa luyện tập để điều trị cho bản thân vừa giúp đỡ các bệnh nhân từ khắp
nơi đổ về đây chữa trị. Bà Thu thấy ông Hải có năng lực và phẩm chất để học lên
cao nên giới thiệu ông vào Bình Dương học thầy Trần Văn Mai - sư phụ của bà.
Khi đã lĩnh hội được cách mở luân xa (huyệt đạo), ông Hải trở về cơ sở của bà
Thu để hành thiện, cứu người. Để đảm bảo công việc gia đình, ông Hải ở nhà một tuần
rồi lại tới nhà bà Thu một tuần. Thấm thoắt 8 năm trôi qua, ông Hải cùng thầy
và mọi người đã giúp đỡ được rất nhiều bệnh nhân.
Thấu hiểu được nỗi
khổ của bệnh nhân vốn nghèo khó chẳng thể tìm đến bệnh viện, ông Hải ngày đêm
túc trực giúp đỡ họ. Nhiều lúc trái gió trở trời, người bệnh lên cơn đau, phải
đi bệnh viện cấp cứu, ông vẫn vui vẻ giúp đỡ mà không ngại sớm khuya. Nói về
những người mình từng cứu giúp, ông Hải ấn tượng nhất với trường hợp anh Trần
Hòa (43 tuổi, huyện Phù Cát) vốn mắc căn bệnh thế kỷ. Khoảng 6 năm trước, vào
một đêm mưa to gió lớn, anh Hòa lên cơn đau tức ngực, khó thở, được người nhà
đưa đến cơ sở cầu cứu. Trong tình thế nguy cấp, ông Hải đội mưa chạy xe xuống
thị trấn tìm mua găng tay caosu để về phụ bệnh cho anh. Sau 20 phút trợ lực, anh
này bớt đau, hô hấp bình thường trở lại.
Thời gian gần đây,
vì hoàn cảnh gia đình nên ông Hải không còn gắn bó với cơ sở chữa bệnh của bà
Thu nữa. Tuy vậy, ông vẫn cùng một số người bạn có kinh nghiệm về môn học năng
lượng trường sinh học mở các lớp ở địa phương để giúp đỡ bà con. Những người
bệnh ở gần cũng có thể tìm đến nhà để ông giúp đỡ. Với những người không thể đi
lại được, ông sẵn sàng đến tận nơi phụ bệnh. “Yêu cầu quan trọng nhất để được
thầy trao cho “chìa khóa” mở luân xa, trở thành một huấn luyện viên là phải có
một cái tâm, phải biết thương người, hết lòng vì người bệnh. Chính vì thế, tôi làm
tất cả mọi thứ là để giúp đời chứ không phải vụ lợi hay mục đích nào khác. Hạnh
phúc chính là thấy người bệnh được mạnh khỏe, tìm lại niềm tin cuộc sống”, ông
Hải tâm sự.
Hiện nay, vợ ông
Hải đang lên Gia Lai chăm con dâu vừa sinh cháu, mình ông ở nhà cáng đáng việc
ruộng đồng và trông coi quán tạp hóa nhỏ. Công việc tuy bận rộn cả ngày nhưng
mỗi khi có người tìm đến nhờ phụ bệnh, ông vẫn vui vẻ gác lại mọi việc để giúp
đỡ. Dù là bất cứ ai, ông cũng đều tận tình giảng giải và trợ lực cho họ một
cách nhiệt tình. “Môn thiền không phân biệt địa vị sang hèn, giàu nghèo, không
phân biệt không gian, thời gian. Tôi cứu người không phân biệt bệnh nhân và
không gian, khoảng cách…”, ông nói.
Tiễn khách ra về cũng là lúc trời đổ trưa, ông Hải lại
tất bật thu xếp việc nhà, hàng quán để dành thời gian ngồi thiền. Với ông,
thiền chẳng khác gì cơm ăn nước uống hàng ngày. Hơn thế nữa, chính môn học này đã
thay đổi cuộc đời, thay đổi cả nhận thức và quan niệm sống của ông. Với tâm
niệm “sống là để cho”, ngày ngày ông Hải vẫn mải miết trên con đường hành thiện
cứu người.
Theo laodong.com.vn